Vải lai Phù Cừ có đặc điểm chín sớm, quả có hình tim lệch, trọng lượng trung bình khoảng 25-30 quả/kg được sản xuất theo quy trình VietGAP, có vị ngọt dịu và mùi thơm đặc trưng.
Vải Hưng Yên.
Ngày 19/5, Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải lai chín sớm năm 2024.
Toàn huyện Phù Cừ hiện trồng 1.200ha vải, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ (850 ha) và vải trứng Hưng Yên (350 ha) được sản xuất theo quy trình VietGAP. Vải lai chín sớm Phù Cừ được trồng chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến.
Trên địa bàn huyện hiện có 3 vùng đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu (vùng được cấp mã số OTAS).
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy, niên vụ 2024, vải lai chín sớm Phù Cừ dự kiến cho thu hoạch rộ từ ngày 25/5, sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 10-15 ngày. Sản lượng vải quả năm 2024 toàn huyện ước đạt từ 13.500-14.000 tấn.
Vải lai chín sớm Phù Cừ là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2016 và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Vải chín sớm của Hưng Yên.
Vải lai Phù Cừ có đặc điểm chín sớm, quả có hình tim lệch, trọng lượng trung bình khoảng 25-30 quả/kg được sản xuất theo quy trình VietGAP, có vị ngọt dịu và mùi thơm đặc trưng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cừ Nguyễn Khả Phúc khẳng định, huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thương nhân ký kết thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ vải lai chín sớm; đồng thời các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà vườn trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc vải cho đến khi thu hoạch, đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng cũng như quy định về nhãn hiệu trong quá trình thu hoạch, tiêu thụ.
Trên cơ sở thời điểm thu hoạch vải, huyện sẽ phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phiên chợ vải nhằm phát huy tối đa hiệu ứng của sự kiện tới việc tiêu thụ năm nay.
"Thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi; trong đó, trọng tâm là chuyển đổi mạnh sang trồng cây trồng chủ lực là vải trứng Hưng Yên tại các xã phía Bắc và trồng vải lai chín sớm tại các xã phía Nam.
Cùng đó, huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm. Đồng thời, huyện sẽ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng," ông Nguyễn Khả Phúc cho biết thêm.
Theo các nhà vườn, hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp, thương lái đến đặt mua vải lai chín sớm, sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi vải vào vụ thu hoạch. Tại hội nghị, một số siêu thị, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã trên địa bàn đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ.
Giám đốc Hợp tác xã Minh Tiến, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ Đồng Thị Thu Hương chia sẻ, những năm gần đây, vải lai chín sớm Phù Cừ đã trở thành thương hiệu nông sản thu hút thị hiếu khách hàng.
Năm nay, Hợp tác xã đã nhận được nhiều thư ngỏ của các công ty, đơn vị bán buôn, bán lẻ nên thành viên trong hợp tác xã đang hoàn tất những công đoạn cuối, chờ vải chín rộ sẽ cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho biết, với ưu thế chín sớm, chất lượng ngọt thanh nên quả vải lai của huyện Phù Cừ có giá trị cao, được nhiều người tiêu dùng tìm mua.
Niên vụ năm 2023, công ty đã ký được đơn hàng khá lớn để tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên, được đông đảo khách hàng tin tưởng, lựa chọn.
Do vậy, năm nay công ty dự kiến sẽ ký kết với các hợp tác xã số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn